Nơi chia sẻ những thông tin với tất cả mọi người

Trong các nước khu vực lân bang, ngoài Trung Quốc ra thì trong lịch sử mấy ngàn năm người Việt không e ngại bất cứ "thằng con" nào.

Nên Việt Nam coi Trung Quốc là đối thủ số 1 hay đối thủ truyền kiếp. Tức chúng ta mặc định sẵn trong gen vì lý do sinh tồn thôi.

Về gốc rễ, dân tộc Việt là dân tộc thoát ly từ phía nam sông Trường Giang, tức khu vực mà ngày nay là Thượng Hải, Quảng Đông của Trung Quốc để tránh di họa đồng hóa giống như các nước khác từ thời Chiến Quốc đến Hán.

Còn Trung Quốc bản thân dân tộc nó là giống dân có khả năng đồng hóa mạnh các chủng khác nên bất cứ dân tộc nào sống quanh Trung Quốc đều bị nó đe dọa, không chỉ Việt Nam.

Về khả năng chiến trận, người Trung Quốc không giỏi. Họ giỏi về làm ăn kinh tế, văn hóa, thi phú văn chương. Sự mở rộng lãnh thổ mà TQ có được như ngày nay là nhờ tài chiến trận của người Mông Cổ (TK13) và người Mãn Thanh (TK17-18) khi đô hộ TQ rồi bị họ đồng hóa ngược lại. Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng, Đại Lý, Thanh Hải, Mãn Châu... những lãnh thổ rộng lớn đó người TQ có được hầu hết là nhờ sự mở rộng đế chế Nguyên Mông, Mãn Thanh.

Trung Quốc có 1000 năm cai trị Giao Chỉ song sự cai trị này không phải quan trọng với người Hán vì đất Giao Chỉ với họ là lãnh thổ rất xa xôi. Người Hán ngày xưa mà tới được vùng Quảng Châu, Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam chích quái) cai trị là giống như đi vào cùng lam sơn cùng cốc rồi nên tới Cổ Loa - Luy Lâu thì chẳng khác tới một cái nơi trời đày.

Cây vải nổi tiếng mà Dương Quý Phi thích ăn mà Đường Minh Hoàng cho chở từ phương Nam lên hồi TK8 không phải do Mai Thúc Loan cõng từ An Nam lên đâu mà cây vải (lệ chi) đó được chở bằng thuyền từ vùng Quảng Tây ngày nay, là cái chỗ mà mùa hè chí dân ăn thịt chó với quả vải mà năm nào Hiệp hội Động vật cũng chửi lên bờ xuống ruộng đó.

Vì với người TQ thời xa xưa, đất Giao Chỉ với họ không phải đáng kể nên sử sách của họ ghi chép về vùng đất này cực kỳ ít ỏi, tìm rất khó. Người Tàu ghi chép nhiều về đất Giang Nam, Tô Châu hay Hợp Phố là nơi xa xôi lắm rồi với họ, còn đất An Nam với họ thì rất mơ hồ.

Sự cai trị của người Hán tại An Nam nhìn chung là dễ dãi và khá tự trị vì khoảng cách quá xa về địa lý.

Trong suốt 1000 năm cai trị đó, nói chung, người Hán không tàn ác và không gây nên các họa diệt chủng, tàn sát nào ghi nhận trên lịch sử. Ngược lại, việc được cai trị bởi một nền văn minh lớn thời đó, nhất là thời Đại Đường dường như góp phần mở mang sự u tối cho vùng đất hiểm địa này. Nó khá tương đồng với bên Âu châu cổ đại, người ta từng hãnh diện như thế nào khi làm công dân Đế chế La Mã.

Nếu không tự hào văn minh Trung Hoa thì sao dân Hà Nội hay nói câu: "Không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Tràng An là Tràng An nào nếu không phải kinh đô Đại Đường.

Nói chung trong lịch sử 1000 năm đô hộ, người TQ họ không cư xử tàn ác hay thậm tệ với người Việt nên sự nổi dậy không đáng kể trong suốt thời gian đó. Sự đáng ngại nhất vẫn là việc bị Hán hóa hay đồng hóa, ví dụ như tôn giáo, chữ viết, họ tên, phong tục, ngôn ngữ... 100% họ người Việt mang bây giờ là họ Tàu. Chứ người Việt thuần như Hai Bà Trưng họ gì, đố mấy bạn biết.

Nhưng như đã nói ở trên, về bản chất sâu xa, người Việt sở dĩ di cư xuống Giao Chỉ là muốn tránh sự đồng hóa của người Hán. Tổ tiên của người Việt đã chạy từ khu vực nam Dương Tử về Giao Chỉ mang theo bao câu chuyện từ hồi ở cố quốc như Hùng Vương, Thánh Gióng đánh giặc Ân về vùng đất mới rồi kể cho nhau nghe, nghe riết cả ngàn năm nên tưởng là thật chứ thực ra "nơi sản xuất" cách đó 700km về hướng Bắc.

Người ly khai thì nguyên nhân ly khai có nhiều song tựu lại vẫn không muốn chung đụng để bảo toàn bản sắc giống loài. Người Việt với người Tàu về lịch sử căn bản là ly khai và chống đồng hóa.

Chính vì vậy nên khi có cơ hội, đến đầu thế kỷ 10, người Việt sau 100 năm được chính quyền TƯ Tàu thả lỏng, lại thấy nước Tàu chia năm xẻ bảy thời Ngũ Đại Thập Quốc nên đã đứng lên giành độc lập bằng chiến thắng Bạch Đằng 938 của Ngô Quyền.

Người Việt lập quốc được rồi, tính từ thời điểm đó đến nay cũng gần 1110 năm thì đánh lộn với Trung Quốc 5-7 lần, trung bình 200 năm thì đập nhau 1 trận. Trong 5-7 lần đó, người Tàu với Việt chỉ thực sự đập nhau 4 trận là Đại Việt - Tống (Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt), Đại Việt - Minh (Lê Lợi) và Việt Cộng - Trung Cộng (thời đại HCM). Còn mấy trận đụng nhau như 3 lần kháng Nguyên hay Quang Trung đại phá quân Thanh là Việt đánh nhau với ngoại tộc cai trị Trung Hoa. Thậm chí ở 3 lần kháng Mông Nguyên thì Việt liên minh với Tống.

Nên khi nhìn một bức tranh toàn cảnh và lịch sử mấy ngàn năm thì người Việt thù người Tàu là góc nhìn một phía từ người Việt trong tâm thế là dân tộc đi tìm không gian sống mới, bảo vệ không gian sống đó. Còn với người Tàu, người Việt không phải kẻ thù truyền kiếp của họ hay khiến họ sợ hãi. Trong quá khứ người Tàu sợ người Nhung hay rợ Hồ là các giống du mục hay đánh chiếm họ (Liêu, Kim, Mông, Mãn) còn gần đây thì họ sợ người Nhật.

Người Tàu không phải giống dân giỏi chiến trận hay có máu hiếu chiến nên việc chiến tranh với họ nhìn trên lịch sử có thể đếm trên đầu ngón tay.

Ngược lại, người Việt vì mang trong mình gen đồng hóa của Tàu nên cả Đông Nam Á nó sợ.

Nên về nguyên lý chống Tàu mấy ngàn năm nay là chống đồng hóa, mà để chống được việc này thì nước phải giàu phải mạnh. Kinh tế mạnh thì văn hóa mới mạnh, văn hóa mạnh thì mình sẽ độc lập về tư tưởng, không còn lệ thuộc về tư duy hay "đường lối cách mạng" nữa.

© Nicholas Nguyen



Next
This is the most recent post.
Previous
Older Post

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
Lọ Lem © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top