Những câu chuyện tiếp sau về vụ khủng bố 11/9, báo chí đã nói nhiều. Tuy nhiên, hệ quả, sự trả giá về các tính toán và sai lầm chiến lược của Mỹ từ vụ khủng bố này thì lại ít được đề cập đến. Chỉ xin nêu ra một số suy nghĩ:
1. Mỹ lầm tưởng can thiệp trực tiếp bằng quân sự có thể nhanh chóng tiêu diệt được khủng bố nhưng Mỹ đã sai lầm. Khủng bố không những không bị diệt tận gốc mà càng lan rộng ra khắp các khu vực trên thế giới.
2. Khi can thiệp vào Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, Mỹ mới chỉ có chiến lược quân sự thay đổi chính quyền, chứ chưa hề có kế hoạch xây dựng đất nước (nation-building) ở các nước này cũng như đối phó với các cuộc tấn công khủng bố quy mô nhỏ. Kết cục là số lính Mỹ chết và bị thương khi tham chiến và lật đổ chính quyền Hussein hay Taliban chỉ vài trăm người trong vài tháng, nhưng lại chịu thương vong hàng chục ngàn người trong hơn 10 năm sau đó và bây giờ vẫn chưa rút ra được và vẫn chưa thể đem lại hòa bình cho hai nước và khu vực xung quanh.
3. Tính tổng thể, cuộc chiến chống khủng bố đã và ngốn trực tiếp và gián tiếp của Mỹ số tiền tổng cộng khoảng 4 000 nghìn tỷ USD. Đây là con số cực lớn, tương đương với tổng GDP của nước Đức và bằng khoảng 1/4 GDP của nước Mỹ. Tất nhiên, 4000 tỷ là tổng số chi phí quân sự trực tiếp trong hơn 10 năm, và các phí tổn chi cho bảo dưỡng khí tài, chi phí cho tử sĩ và thương binh khoảng vài chục năm kế tiếp.
4. Gánh nặng tài chính quá lớn cũng là một trong những nguyên nhân đẩy nước Mỹ đến chỗ vay nợ quá đà (hiện là 21.000 tỷ USD) và hạn chế nguồn lực cho việc cải thiện hạ tầng phát triển, cung cấp bảo hiểm y tế và phúc lợi cho người dân khiến nhiều vấn đề xã hội thêm trầm trọng. Ở góc độ nào đó là kéo dài việc khắc phục hậu khủng hoảng 2007-2008; đưa đến "Phong trào chiếm phố Wall", sự phân cách giàu nghèo trầm trọng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, sự xuất hiện của "hiện tượng" Trump...
5. Sự can thiệp của Mỹ tại Trung Đông không làm cho tình hình ổn đinh hơn, mà giống như việc mở Pandora Box, phá vỡ sự cân bằng quyền lực mong manh khiến tình hình khu vực này vốn đã bất ổn lại càng trở nên bất ổn và mất an ninh hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử của mình: Phong trào "Mùa xuân Arab", nội chiến tại Syria, sự xuất hiện của IS. Và quan trọng nhất, nhưng cũng đầy nghịch lý là tuy tình hình Trung Đông rối ren nhưng sức mạnh của các kẻ thù tiềm tàng và trực tiếp của Israel lại suy yếu hơn bao giờ hết và chưa bao giờ an ninh của nhà nước Israel lại được đảm bảo như lúc này...
6. Có vẻ như nghịch lý, nhưng sự thật là sau vụ 11/9, nhờ hàng loạt biện pháp thắt chặt an ninh chưa từng có nước Mỹ có vẻ an toàn tương đối hơn trước các nguy cơ tấn công khủng bố. Bằng chứng là sau vụ 11/9 về cơ bản Mỹ chịu rất ít các cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng. Trong khi đó, các nước đồng minh châu Âu, khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á... lại đứng trước mối đe dọa tấn công khủng bố lớn hơn bao giờ hết. Rồi làn sóng tị nạn gây bất ổn toàn châu Âu, rồi Brexit... cũng từ đây mà ra.
7. Tuy nhiên, nguy hại nhất với Mỹ là tính toán chiến lược và chi phối nguồn lực sai lầm. Khủng bố dù sao cũng chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ an ninh mà Mỹ phải đương đầu, và không nhất thiết phải sắm dao mổ trâu để giết ruồi.
Với nguy cơ khủng bố, Mỹ sau khi lật đổ Taliban thì không nhất thiết phải lật đổ Saddam Hussein, mà hoàn toàn có thể triển khai quân quy mô nhỏ, kết hợp sử dụng các công cụ tài chính và các lực lượng bảo vệ luật pháp, hợp tác quốc tế... để chống khủng bố hiệu quả với chi phí thấp.
Thật ra sau vụ 11/9, cả nước Mỹ bị "lên đồng", các chiến lược gia, chính trị gia, bao giới... mở miệng ra là nói đến chống khủng bố, thậm chí như ông Bush còn nói nước Mỹ xác định bạn, thù qua thái độ đối với cuộc chiến chống khủng bố qua tuyên bố: "You are either with us or with the terrorists".
Việc tập trung nguồn lực "lệch pha" đã làm Mỹ không nhìn thấy thách thức và nguy cơ từ Trung Quốc đối với vị thế siêu cường toàn cầu của mình. Và giai đoạn 2001-2011 khi Mỹ "say sưa" với cuộc chiến chống khủng bố, rồi khủng hoảng 2007-2008 thì cũng là thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong lịch sử của mình. Và thời kỳ này cũng tạo đà để Trung Quốc thu hẹp nhanh nhất sức mạnh tổng hợp so với Mỹ và bắt đầu thể hiện vị thế mới, thách thức Mỹ về nhiều mặt, đặc biệt từ khi có lãnh đạo mới từ 2012.
Khi Mỹ nhìn thấy câu chuyện này mới bắt đầu sốt sắng "xoay trục", "tái cân bằng"... nhưng có vẻ như đã quá ít và quá trễ để đối phó với sự quyết đoán và trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay.
Nhìn lại lịch sử cận đại, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ mắc sai lầm chiến lược. Giai đoạn 1965-1973 Mỹ cũng đã sai lầm khi dồn nguồn lực sai chỗ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam. Đến khi rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1973 thì đã quá muộn. Lúc này, Liên Xô tuy tiềm lực kinh tế yếu hơn nhưng do tận dụng được việc Mỹ sai lầm trong chiến tranh Việt Nam nên đã xây dựng bộ ba vũ khí chiến lược, giành được thế cân bằng chiến lược với Mỹ. Và câu chuyện cân bằng chiến lược quân sự vẫn là một trong những câu chuyện chiến lược mà Mỹ phải xử lí trong quan hệ với Nga, kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ.
Như vậy, sự suy yếu tương đối về sức mạnh toàn diện của Mỹ trong so sánh lực lượng Mỹ-Trung ở phạm vi khu vực và thế giới là câu chuyện của hàng thập kỷ chứ không phải câu chuyện của ngày một, ngày hai./.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment