Nơi chia sẻ những thông tin với tất cả mọi người

Những ngày này, tôi đang đọc “How to build a nation” của Tom Plate. Đây là cuốn sách thứ 2 về Lý Quang Diệu mà tôi đọc, sau “One man’s view of the world”. Mỗi lần đọc về Lý Quang Diệu, về Singapore, tôi lại nghĩ về câu chuyện “Hòn Ngọc Viễn Đông” và “Làng Chài Singapore”, về khái niệm “khát vọng” và “ảo vọng”.
Người Việt Nam (đặc biệt là người Sài Gòn) hay hồi tưởng về một “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong quá khứ và thất vọng với thực tại của một đô thị đang phát triển với đầy rẫy những bất cập. Nhiều người nhìn về Singapore với con mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ đối với một thành phố siêu thịnh vượng đã lột xác từ một làng chài nhỏ bé, và mơ ước một ngày nào đó Sài Gòn có thể lấy lại vinh quang trong quá khứ. Tôi nghĩ đây giống một sự ảo vọng hơn là một khát vọng vươn lên.
Sài Gòn những năm 1950
Khái niệm Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” đã luôn là niềm tự hào của người dân Sài Gòn đối với thành phố thân yêu của mình. Nhiều người tin rằng Sài Gòn đã từng là đô thị phồn vinh bậc nhất, là viên ngọc quý của vùng Viễn Đông thuở xưa. Tuy nhiên, có một sự thật mà nhiều người Sài Gòn có thể sẽ khó chấp nhận, rằng thực ra thì so với các thành phố thuộc địa nổi tiếng cùng thời ở vùng Viễn Đông, Sài Gòn cũng không thực sự nổi trội, nếu không muốn nói là còn thua kém không ít thành phố khác. Vùng Viễn Đông (Far East) mà chúng ta hay đề cập, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Macau, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản và vùng Viễn Đông Nga. Không cần phải so sánh với những Tokyo, Bắc Kinh hay Thượng Hải, chỉ trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là ngay trong chính nước Việt Nam chúng ta, Sài Gòn cũng khó được xem là đô thị thịnh vượng nhất!
Thượng Hải những năm 1930
Tôi đã từng đặt chân đến Yangon, và cảm thấy bị choáng ngợp trước những công trình đồ sộ và hệ thống quy hoạch ngăn nắp mà người Anh đã xây dựng tại đây. Những công trình nổi bật nhất thời kỳ thuộc địa của Sài Gòn như Nhà thờ đức bà, bưu điện trung tâm, nhà hát lớn hay tòa thị chính, xét về mặt thẩm mỹ thì hơi khiên cưỡng, nhưng xét về quy mô thì hoàn toàn thua kém những công trình người Anh đã xây dựng tại Yangon.  
Yangon đầu thế kỷ 20
Những đô thị lớn khác ở Đông Nam Á như Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore hay Manila đều đã phát triển khá thịnh vượng, không hề thua kém, thậm chí còn vượt trội hơn Sài Gòn từ những năm đầu thế kỷ 20. Những số liệu kinh tế của giai đoạn này có lẽ quá khó khăn để tìm kiếm hay phân tích, nhưng chúng ta có thể so sánh qua sự phát triển đô thị (vốn phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế), mà những hình ảnh của quá khứ thì có thể dễ dàng tìm được. Và ngay chính trên đất nước Việt Nam, dù sẽ gây tranh cãi, nhưng thật khó mà nói là Sài Gòn thịnh vượng hơn Hà Nội - thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương vào đầu thế kỷ 20. Nói đến đây, ta có thể thấy rằng khái niệm “hòn ngọc Viễn Đông” có lẽ chỉ là sự cường điệu và ảo tưởng mà người Pháp dành cho người Sài Gòn thời bấy giờ và ngay cả bây giờ. Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 đẹp, thơ mộng, thịnh vượng, nhưng chưa bao giờ là một đô thị số 1, số 2, số 3, và thậm chí tôi cảm thấy ngờ vực nếu nói Sài Gòn là một trong 10 thành phố thịnh vượng hàng đầu của vùng Viễn Đông những năm đầu thế kỷ 20.  
Bangkok năm 1889
Manila đầu thế kỷ 20
Bangkok những năm 1960s
Manila những năm 1960s

Làng chài Singapore” cũng là một sự ảo tưởng không có thật. Phải nói rằng cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã rất thành công trong việc truyền bá câu chuyện “Làng Chài Singapore” đến thế giới. Ông từng nói: “Chúng ta đã tạo ra điều này (sự thịnh vượng) từ tay trắng, từ 150 con người tại một làng chài nhỏ trở thành một siêu đô thị lớn nhất, chỉ 2 độ phía Bắc đường xích đạo” ( "We have created this out of nothingness, from 150 souls in a minor fishing village into the biggest metropolis two degrees north of the equator." ). Trong suốt cuộc đời mình, ông đã không ngừng lặp đi lặp lại khái niệm này. Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó bỏ chút thời gian tìm kiếm thông tin, thì bạn sẽ biết rằng ngay từ đầu thế kỷ 20, Singapore đã là một thành phố cảng rất quan trọng và phát triển của thực dân Anh tại vùng Viễn Đông. Vậy nhưng, nhiều người vẫn tin vào điều này một cách vô thức, trong đó có người Sài Gòn. Người Singapore tin điều này, và xem đó là niềm tự hào và động lực phấn đấu đễ giữ vững sự thịnh vượng của mình, để không phải trở lại thành một “làng chài”. Nói một cách nào đó, họ đã xây dựng “khát vọng” của mình trên chính sự “ảo tưởng” này. Nhiều người Sài Gòn tin điều này, tin vào câu chuyện “hòn ngọc Viễn Đông”, nhưng họ có xu hướng chuyển hóa “ảo tưởng” trở thành sự “ảo vọng”. 
"Làng chài" Singapore những năm 1940
Một góc khác của "làng chài"

Có quá nhiều người mà tôi đã nghe, đã đọc, đã biết, có cả những người nổi tiếng, vẫn tin vào ảo tưởng “hòn ngọc Viễn Đông”, và họ ảo vọng rằng một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ lấy lại được vinh quang của mình. Tôi nói họ ảo vọng, không phải vì tôi không lạc quan vào tương lai, mà vì tôi biết đó là một đích đến vô cùng xa, và để làm điều đó, có lẽ chúng ta phải nỗ lực hơn rất rất rất nhiều so với những gì chúng ta đang làm. Nếu chúng ta vẫn mãi tin vào câu chuyện “hòn ngọc Viễn Đông”, tự cho rằng mình vốn có một xuất phát điểm cao hơn mọi người (dù thực ra chúng ta chẳng bằng ai), thì thực tại khốc liệt sẽ chỉ càng làm chúng ta chóng nhụt chí và mất phương hướng trên đường đua cạnh tranh phát triển khắc nghiệt. Người Singapore tin vào câu chuyện “làng chài”, tin vào xuất phát điểm khiêm tốn của mình (dù nó vốn chẳng phải vậy), để làm động lực phấn đấu ngày qua ngày để “thoát nghèo" (dù rằng thật ra họ vốn đã chẳng nghèo, nếu không phải giàu). Hai tâm thế hoàn toàn khác nhau, dẫn đến hai cách hành động hoàn toàn khác nhau, dẫn đến một bên là ảo vọng và một bên là khát vọng.
Tôi nghĩ, nếu có gì đó người Sài Gòn cần thay đổi để phát triển hơn, thì đó là hãy quên câu chuyện “hòn ngọc Viễn Đông” càng sớm càng tốt, hãy trở nên thực tế và chấp nhận thực tại của mình, và tìm cách phát triển từ trên chính cái nền thực tại xù xì này. Chúng ta cần nhìn thấy việc 15-20 năm nữa có thể bắt kịp Bangkok, 40-50 năm nữa có thể bắt kịp Singapore như một điều tích cực (vì ít nhất chúng ta có thể bắt kịp họ, họ đã đi trước chúng ta quá xa rồi!) và nỗ lực đạt được điều đó, hơn là nhụt chí và lại ra quán nhậu ngồi huyên thuyên về “hòn ngọc Viễn Đông” và một sự thịnh vượng bị đánh mất. Nếu đa số người Sài Gòn vẫn giữ tâm thế và lối tư duy này, Sài Gòn sẽ chẳng có cơ hội nào để có thể nâng cao hơn khỏi vị trí thực tại, chứ không nói đến tiến gần đến vị trí số 1 như nhiều người mong muốn.  

Và đây là video về "làng chài" Singapore 1930


1 nhận xét Blogger 1 Facebook

  1. Sang tuổi mới! Anh đọc nhưng bai Em viết thấy rất vui. Giọng văn trưởng thành hơn, chín chắn và điềm đạm hơn rất nhiều Phương a! Trong cách tiếp cận vấn đề rất khách quan, bớt đi sự manh bão, tính chiến đấu.... Nó giúp cho bài viết mang tính khoa học và tăng thuyết phục hơn. Chúc mừng Em! Cang yêu Em hơn!

    ReplyDelete

 
Lọ Lem © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top